Phát triển du lịch văn hóa tâm linh ở Vũng Tàu
Xưa nay Vũng Tàu được biết đến chủ yếu là nhiều bãi tắm với sinh cảnh đa dạng đan xen giữa núi và biển, tuy không phải là vùng đất tâm linh và lễ hội lớn nổi tiếng nhưng Vũng Tàu được yêu thích bởi những công trình văn hóa lịch sử cũng như những danh thắng trở thành biểu tượng của phố biển. Với không ít những đình chùa, lễ hội, các công trình tâm linh được xây dựng cách đây hơn thế kỷ vừa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân vừa phục vụ nhu cầu tham quan, khám phá của du khách gần xa như tượng chúa Kyto ở núi Nhỏ, tượng Đức Mẹ ở Núi Lớn, Thích ca Phật đài, Linh Sơn Cổ Tự, Hòn Bà, Niết bàn Tịnh xá, Chùa Hải Vân … Khách đi tour hoặc tự túc đến Vũng Tàu chủ yếu là các tỉnh miền Đông Nam Bộ, và thường khách tăng đột biến vào các ngày nghĩ cuối tuần hoặc trong các ngày rằm, hội,lễ lớn lớn của năm
Du khách Nguyễn Tuấn Linh đến từ Bình Dương cho biết “với áp lực của công việc và cuộc sống nên hàng năm gia đình Tôi đều đến Vũng Tàu đi chùa lễ Phật để cầu sức khỏe, bình an và hơn nữa ở Vũng Tàu có không khí trong lành, cảnh quan đẹp, thoáng đãng, thanh tịnh, không quá chen chúc, lộn xộn mà không phải nơi nào cũng có được”.
Theo báo cáo của UBND Thành phố, Vũng Tàu sở hữu 18 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, cùng với đó là các lễ hội được tổ chức thường niên, đây được xem là lợi thế và tiềm năng lớn để phát triển về loại hình du lịch văn hóa tâm linh của địa phương. Mỗi năm phố biển Vũng Tàu đón hơn 5 triệu du khách thì các điểm du lịch văn hóa tâm linh chiếm lượng lớn khách đến hành hương, tham quan, khám phá, tìm hiểu lịch sử; Như tại Thích ca Phật Đài ở phường 5, thành phố Vũng Tàu, vào dịp Rằm Tháng Giêng hàng năm, bình quân đón khoảng 10 ngàn người đến hành hương, tham quan, lễ Phật; còn tại Miếu Bà nằm trên đảo Hòn Bà cũng không kém bởi sự đặc trưng nơi đây, để ra được Hòn Bà du khách hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào thủy triều vì vậy nơi đây cũng là nét độc đáo, gây sự tò mò thu hút khách thập phương và người dân địa phương đến chiêm bái, khám phá mà không phải lúc nào cũng ra được. Ngoài ra gắn với sản phẩm du lịch di tích thì lễ hội đặc sắc mang màu sắc tâm linh như Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam diễn ra từ ngày 16 đến 18 tháng 8 âm lịch tại Đình Thần Thắng Tam là một lễ hội lớn của ngư dân miền biển BR-VT thể hiện nét đẹp nhân văn, một truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc; Lễ hội Miễu Bà Ngũ Hành tổ chức long trọng từ ngày 16 đến 18 tháng 10 âm lịch; Lễ hội Trùng Cửu được tổ chức tại khu nhà Lớn Long Sơn, Vũng Tàu thu hút khá đông du khách thập phương đặc biệt là các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ; Ngoài các lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, hàng năm có nhiều lễ hội được tổ chức như Lễ giỗ ông Trần diễn ra vào ngày 20 tháng 2 âm lịch tại Đền Ông Trần – Khu di tích Nhà Lớn Long Sơn, Vũng Tàu; hay lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch tại Đền Thánh Trần, Vũng Tàu,
Hơn nữa, các sản phẩm du lịch Vũng Tàu đa dạng, đây được xem là một lợi thế rất quan trọng cho sự phát triển du lịch văn hóa tâm linh của Thành phố. Du khách ngoài việc đến tham quan các di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, còn có thể thăm thú phong cảnh thiên nhiên vùng đất con người Vũng Tàu với những bãi biển trong xanh, sạch sẽ, thơ mộng tại Bãi Sau, Bãi Trước, thiên nhiên hoang sơ, sinh thái trên đảo Gò Găng, trải nghiệm làng bè Long Sơn, xem đua chó; tham quan bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor độc đáo bậc nhất Đông Nam Á; Di tích Bạch Dinh, …
Với sự ưu đãi của thiên nhiên cùng với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật đô thị cùng với môi trường xanh sạch đẹp để phát triển du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng, những tour du lịch tâm linh, văn hóa lịch sử chưa thật sự sôi động nhưng bước đầu có sự khởi sắc, mang lại hiệu quả . Thiết nghĩ để phát triển xứng tầm với tiềm năng của Thành phố việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh cần được các cơ quan chức năng của Tỉnh, Thành phố quan tâm để khai thác những tiềm năng, lợi thế của du lịch Vũng Tàu, định hướng được sản phẩm du lịch đặc thù là việc nên làm để đẩy mạnh hơn nữa phát triển du lịch văn hóa tâm linh trong tương lai và mang tính bền vững, hiệu cả cao./.
Bài, ảnh: Kim Nguyễn, BBT