TẠI SAO PHẢI XÉT NGHIỆM?
Trước tình hình dịch bệnh covid-19 bùng phát và lây lan mạnh, đe dọa tính mạng và sức khỏe người dân, các cấp chính quyền đang tổ chức việc xét nghiệm diện rộng, nhằm phát hiện và bóc tách những người mang mầm bệnh ra khỏi cộng đồng để ngăn ngừa lây lan.
Tuy nhiên trong dư luận xã hội hiện nay cũng cho thấy không ít người bày tỏ quan ngại trước việc các cấp chính quyền tổ chức việc xét nghiệm này, cho rằng tổ chức xét nghiệm nhiều gây tốn kém kinh phí Nhà nước; mình không ra khỏi nhà thì không có nguy cơ nhiễm bệnh; rồi ra địa điểm xét nghiệm phải chờ đợi vất vả, phải tiếp xúc với nhiều người (ngay cả đội ngũ nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cũng chưa chắc không mang mầm bệnh), làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Vậy thì việc gì phải đi xét nghiệm?
Thực ra những quan ngại của người dân cũng là chính đáng. Tuy nhiên chúng ta cũng cần suy xét kỹ để thấy được cái lợi, cái hại của vấn đề.
Thứ nhất: Việc tổ chức xét nghiệm rõ ràng là tốn kém sức người, sức của. Để tổ chức xét nghiệm như vậy ngoài việc huy động toàn bộ nhân lực của ngành y tế, còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, hội viên các đoàn thể, các tình nguyện viên tham gia phục vụ công tác xét nghiệm. Với đơn giá xét nghiệm nhanh là 238.000đ/mẫu/lần và với hàng trăm ngàn người dân thì số kinh phí đó là rất lớn. Thế nhưng các cấp chính quyền vẫn phải tổ chức xét nghiệm, bởi có tốn kém đến đâu chăng nữa cũng không thể so sánh với tính mạng và sức khỏe người dân.
Thứ hai: Virus Sars cov-2 với những biến chủng mới ngày càng nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn. Ở nhà không ra đường và hạn chế giao tiếp chỉ là một trong những biện pháp hiệu quả để phòng ngừa lây nhiễm. Virus có thể xuất hiện bất cứ đâu. Có thể bám ngay trên bề mặt những gói hàng hóa; có thể ở ngay tay nắm cửa, cánh cổng của gia đình; có thể chỉ là giao tiếp một vài câu ngắn gọn với người khác qua bờ rào, qua cánh cổng…vv. Những sự việc này chỉ thoáng qua mà ta hoàn toàn không lưu tâm, nhưng đều có thể là nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy không thể chủ quan cho rằng mình không ra ngoài, không giao tiếp với ai thì tuyệt đối không thể nhiễm bệnh.
Thứ ba: Việc tổ chức xét nghiệm diện rộng là nhằm kịp thời phát hiện người nhiễm bệnh, người có nguy cơ nhiễm bệnh trong cộng đồng để đưa đi điều trị kịp thời hoặc cách ly khỏi cộng đồng để ngăn chặn bệnh lây lan. Nếu không xét nghiệm thì không thể phát hiện người nhiễm bệnh để điều trị kịp thời, đến khi người mang mầm bệnh phát bệnh mới điều trị thì đã muộn. Do đó việc xét nghiệm cũng vì bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân.
Ngoài ra cũng cần nói thêm là dù đã được chích vacxin cũng chỉ làm giảm nguy cơ lây nhiễm và nguy cơ tử vong khi bị nhiễm bệnh, chứ không phải đã chích vacxin là miễn nhiễm.
Thứ tư: Việc đi xét nghiệm rõ ràng là phải chờ đợi trong thời tiết nắng nóng, khiến không ít người dân cảm thấy bực bội, khó chịu. Nhưng chúng ta hãy nhìn đội ngũ nhân viên y tế đi, họ còn phải vất vả hơn, còn nóng bức hơn vì phải gói mình trong bộ đồ bảo hộ kín như bưng để làm việc nhiều giờ liên tục. Họ làm việc vì bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Vậy hãy đồng cảm với họ và nghĩ rằng thật may mắn khi mình được xét nghiệm, để nếu mình không may nhiễm bệnh sẽ được sớm phát hiện và điều trị, không để lây lan ra những người thân trong gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra những quan ngại khi đi xét nghiệm có thể bị lây nhiễm từ người khác hoặc từ ngay nhân viên y tế có thể xem như sự cố cực kỳ hiếm gặp, bởi nếu mọi người tuân thủ nghiêm việc giữ khoảng cách an toàn và đội ngũ nhân viên trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm thực hiện đúng thao tác, quy trình chuyên môn thì nguy cơ lây nhiễm là hầu như không có.
Vì tính mạng, sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi người hãy thực hiện tốt việc tham gia xét nghiệm nhé. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi công dân thành phố Vũng Tàu góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh./.