DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA – Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam
Lễ hội Nghinh Ông – Đình thần Thắng Tam diễn ra (thường niên) trong ba ngày 16, 17 và 18-8 âm lịch. Lễ hội Nghinh Ông là dịp để ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc. Ðây là lễ hội cầu an, là thời điểm kết thúc và mở đầu cho một mùa thu hoạch tôm cá cũng là dịp để ngư dân tạ ơn nghề biển.
Lễ hội Nghinh Ông gắn liền với tục thờ cá Ông (cá Voi) phổ biến từ vùng biển miền Trung đến miền Nam. Mỗi vùng biển tổ chức lễ Nghinh Ông vào những dịp khác nhau nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề biển nói chung. Lễ hội Nghinh Ông cũng được tổ chức ở khắp các vùng biển ở Bà Rịa – Vũng Tàu như: xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), xã Phước Tỉnh, Long Hải (huyện Long Ðiền), xã Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Ðình Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam (TP.Vũng Tàu)… nhưng tiêu biểu nhất là lễ hội Nghinh Ông ở đình Thắng Tam (TP. Vũng Tàu).
Qua nhiều lần tổ chức, lễ hội Nghinh Ông – Đình thần Thắng Tam vẫn giữ được các nghi lễ truyền thống, gắn quyện với phần hội là các trò chơi dân gian, như múa lân, diễn tuồng. Lễ hội Nghinh Ông – Đình thần Thắng Tam diễn ra thu hút lượng lớn người dân bản địa và du khách tham gia.
Sáng sớm ngày 16-8 âm lịch, các vị hương chức, kỳ lão trong trang phục khăn đóng, áo dài chỉnh tề làm lễ rước kiệu ông Nam Hải xuống thuyền rồng ra biển. Trước mũi ghe là hương án và mâm lễ vật. Cùng với thuyền rồng đi trước, có hàng chục ghe lớn nhỏ được trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ chở hàng ngàn người theo sau. Đoàn ghe xuất phát tại biển Bãi Trước đến mũi Nghinh Phong. Khi đến mũi Nghinh Phong, tất cả ghe trong đoàn rước quay mũi hướng ra biển và làm lễ cúng biển.
Khoảng hai giờ sau thì đoàn rước quay về bến nơi xuất phát, rồi đi diễu hành qua các tuyến đường, phố trung tâm sau đó về Đình thần Thắng Tam. Đoàn rước đi đến đâu, lân sư rồng, dàn nhạc ngũ âm và tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng đến đấy. Hàng ngàn người dân địa phương, du khách đổ ra hai bên đường vui đón lễ hội và bày tỏ lòng thành với ông Nam Hải. Hai ngày sau (ngày 17 và 18-8 âm lịch), lễ hội Nghinh Ông tiếp tục diễn ra với các nghi lễ: Lễ cúng tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ, thỉnh sắc thần vào lăng ông Nam Hải, lễ xây chầu đại bội, lễ cầu quốc thái dân an…