Niết Bàn Tịnh Xá Nghệ thuật kiến trúc – Phần 1
Niết Bàn Tịnh Xá Nghệ thuật kiến trúc – Phần 1 : Niết Bàn Tịnh Xá được xây dựng trên triền núi Nhỏ, với địa thế như thế, nên mặt tiền di tích hướng thẳng ra biển và mặt sau tiếp giáp với vách núi. Di tích được kiến trúc thành nhiều tầng và xây bằng các vật liệu ngày nay như bê tông, thép, granitô đặc biệt là không dùng đến một viên ngói nào, khác nhiều với các chùa thời xưa đều sử dụng gạch, vôi, vữa, ngói là chủ yếu.
Tổng diện tích của di tích Niết Bàn Tịnh Xá là : 22.684m2 và được chia làm 4 cấp :
+ Cấp 1 : ( Tầng trệt ) gồm chánh điện – hậu điện – kho vật tư và nhà ăn.
Chánh điện là gian thờ Phật có tượng Phật rất lớn, ở vị trí nằm nghiêng trên bệ cao dọc cả gian phòng dài 12m trong trạng thái nghỉ ngơi như đang thiền định. Pho tượng được làm bằng xi măng có pha trộn nhiều hóa chất khác màu nâu hồng đánh bóng vẻ chau chuốt mịn màng, trông gần như người thật chỉ khác là to lớn hơn rất nhiều. Ở nơi gần bàn chân Phật dài 2m, rộng 0,6m có khắc nhiều hình vẽ người múa… Phía sau tượng Phật nằm là cảnh rừng Tha La nơi Phật nhập Niết Bàn.
+ Cấp 2 : ( Tầng 1 ) : Thuyền Bát Nhã, điện thờ và nhà ở.
Tầng 1 của di tích xây trên một triền núi cao hơn và lui vào phía trong vách núi. Thuyền Bát Nhã được làm bằng xi măng cốt sắt dài 10m. Thuyền hình con rồng trang trí công phu, ngoài ốp các mảnh sứ, gạch men nhiều màu tạo thành một khối hài hòa màu sắc đẹp mắt.
Điện thờ được xây dựng sát vách núi được chia làm 3 gian : gian chính thờ Phật Bà Quan Âm, còn hai gian bên thờ Tổ Sư Đạt Ma và Già Lam Thánh Chúng.
Ở điện thờ này lợi dụng vách núi với những hòn đá gập ghềnh nên các nhà mỹ thuật đã dựng nên tại đây một cảnh như ở núi Phổ Đà ( trong truyền thuyết của Phật giáo ) với thác nước chim muông và các cây cảnh như núi rừng tạo ra sự hấp dẫn đối với người xem.
+ Cấp 3 : ( tầng 2 ) gồm lầu chuông với Đại hồng chung và phòng tiếp khách.
Từ gác chuông sang phòng tiếp khách được nối liền bằng một hành lang và được chống bằng những cột đá granitô bằng nâu hồng. Gác chuông mái cong, các đầu chuông có đắp 4 con rồng hướng ra bốn phía và đỉnh là một bình hình trái bầu. Chuông đúc bằng đồng cao 2,8m, nặng 3,5 tấn. Chu vi của tai chuông là 3,8m. Quai chuông được treo bởi hai con rồng bám vào vai chuông. Thân chuông chia làm 14 khuôn, mỗi khuôn được chạm nổi bởi các chữ Phạn, chữ Hán hay các hình tượng Phật rất công phu. Bên cạnh những nét chữ còn có các chữ vạn, bông sen và hình sóng cách điệu.
Xem thêm:Niết Bàn Tịnh Xá Nghệ thuật Kiến trúc – Phần 2, Niết Bàn Tịnh Xá Lịch sử hình thành, Chùa Phước Lâm.
Nguồn: Sưu tập