Vừa đón khách, vừa chủ động phòng dịch

Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, các DN kinh doanh dịch vụ du lịch đã chủ động kích hoạt quy trình phòng, chống dịch, đồng thời tạo điều kiện tối đa khi đối tác, khách hàng hoãn, hủy, đổi lịch trình du lịch đã ký kết.

HỖ TRỢ TỐI ĐA KHÁCH HỦY DỊCH VỤ

Từ cuối tháng 6, cứ sau mỗi tuần, lượng khách du lịch đến BR-VT lại tăng thêm từ 15 đến 20%. Ai cũng lạc quan vì tín hiệu phục hồi du lịch ngày càng rõ rệt. Thế nhưng, trước sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, lượng du khách bắt đầu giảm. Từ đầu tuần qua, tình hình kinh doanh tại các khách sạn, KDL, nhà hàng trên toàn tỉnh xấu dần. Lượng khách hủy tour, hủy phòng và dịch vụ đã đặt tăng nhanh theo thời gian, dù BR-VT chưa xuất hiện ca bệnh nào.

Ghi nhận tại hệ thống cơ sơ sở lưu trú sát biển, khách đặt dịch vụ mới không đáng kể. Toàn bộ nhân lực tập trung vào giải quyết thủ tục hoãn, hủy tour cho khách. Trong đó, rất nhiều đoàn lớn hủy dịch vụ ngay trước thời điểm khởi hành chỉ 1 ngày.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Vung Tau Intourco Resort và Hai Duong Intourco Resort cho biết, trong 2 ngày cuối tháng 7, đơn vị phải hủy tour TP.Hồ Chí Minh – Phan Thiết gấp cho 2 đoàn hơn 700 khách. Tiếp đó, hơn 300 khách đã đặt dịch vụ lưu trú, tổ chức hội nghị, ăn uống tại Hai Duong Intourco Resort trong 2 ngày cuối tháng 7 cũng hủy lịch vào giờ chót; 4 đoàn khách hơn 850 khách đã đặt cọc lưu trú, ăn uống tại đơn vị trong tháng 8 cũng vừa đề nghị dừng chuyến du lịch vô thời hạn. Lượng khách cá nhân, gia đình mỗi ngày điện thoại, email đề nghị hủy dịch vụ đã đặt không đếm xuể. “Tôi vừa ký chuyển trả đặt cọc cho cả trăm khách lẻ. Số lượng khách đoàn hủy tiệc, hủy lưu trú, hủy tour hiện nay chiếm đến 70% số lượng đã được đặt từ trước trong tháng 8. Ước tính tổng thiệt hại đến thời điểm này đã lên đến gần 40 tỷ đồng”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.

Ông Hoàng Văn Thiện, Phó Giám đốc cụm khách sạn Palace – Grand – Rex cho biết, có ít nhất 4 đoàn khoảng 600 khách đã hủy dịch vụ lưu trú, 2 đoàn hủy dịch vụ hội nghị. “Trường hợp khách hủy tour sẽ giải quyết theo mong muốn của khách hàng, trong đó, những đoàn lớn chúng tôi khuyến khích khách dời ngày, bảo lưu tiền cọc. Đối với khách lẻ, đặt dịch vụ qua mạng, chúng tôi làm việc với các nhà cung cấp trung gian hoàn tiền cho khách trong thời gian 1 tháng”, đại diện cụm khách sạn Grand-Palace nói.

Các DN lữ hành cũng gặp tình trạng khách hủy chương trình du lịch hàng loạt. Trong đó, Vietravel có 20.970 khách hủy với doanh thu dự kiến 88,6 tỉ đồng; Lữ hành Saigontourist hơn 10.000 khách hủy; OSC Việt Nam Travel cũng không còn đoàn khách nào khởi hành trong tháng 8. Không chỉ hủy tour Đà Nẵng, Hội An, các điểm đến khác như Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt, miền Tây… khách cũng đồng loạt yêu cầu dừng lịch trình du lịch.

Đại diện một DN lữ hành cho biết, những tour khởi hành trong khoảng thời gian từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, DN lữ hành đã thanh toán tiền vé máy bay, chuyển trả 100% dịch vụ cho đối tác. Khi hủy tour khách yêu cầu hoàn trả 100% tiền cọc. Phía đối tác thì đưa ra phương án bảo lưu số tiền đã thanh toán, khi có đoàn sẽ cấn trừ trong thời gian tới. “Mỗi ngày, lượng khách hủy tour càng tăng, chúng tôi phải xoay tìm mọi cách để hạn chế thiệt hại cho khách, bảo vệ uy tín, thương hiệu DN và rất cần sự cảm thông của khách. Chỉ cần đối tác đồng ý hoàn cọc, hoàn chi phí đã thanh toán, chúng tôi sẽ trả lại ngay cho khách”, đại diện một DN lữ hành nói.

KINH DOANH VÀ PHÒNG DỊCH CHẶT

Tuy vậy, trong làn sóng hủy dịch vụ hàng loạt khắp cả nước, BR-VT vẫn có những nhóm khách nhỏ, gia đình, cá nhân tranh thủ những ngày hè du lịch, nghỉ dưỡng. Ông Hoàng Văn Thiện cho biết, mỗi ngày, cụm khách sạn Grand-Palace-Rex vẫn nhận vài yêu cầu đặt phòng. “Trước khi nhận đặt cọc của khách, chúng tôi hỏi kỹ điểm đến trong 15 ngày trước đó của khách, nếu đã đi qua vùng dịch, chúng tôi từ chối ngay. Đối với khách nước ngoài phải cung cấp giấy tờ chứng minh đã hoàn thành cách ly theo quy định, chúng tôi mới đón”, ông Thiện cho biết.

Đại diện Vietravel cho biết, tất cả các tour khởi hành đều có trang bị khẩu trang, nước rửa tay để phát cho khách. Khách được đo thân nhiệt trước khi tham gia tour. Xe vận chuyển sẽ được khử khuẩn liên tục. Nhà hàng ăn uống phải sạch sẽ, tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình tham quan, khách được khuyến cáo đeo khẩu trang, rửa tay, giữ vệ sinh thường xuyên, hướng dẫn sử dụng ứng dụng hỗ trợ khai báo bảo vệ sức khoẻ Bluezone…

Ghi nhận tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ, ăn uống, nhân viên đã đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt khách đến, trang bị nước rửa tay sát khuẩn, tăng tần suất tẩy rửa các khu vực công cộng, khuyến cáo du khách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Nhiều cơ sở lưu trú tiến hành sàng lọc đầu vào, không nhận khách đến từ các tỉnh, thành đã có dịch. Nhiều DN khuyến khích khách giao dịch qua app và điện thoại, yêu cầu khách phải khai báo y tế và hướng dẫn khách sử dụng dịch vụ bảo vệ sức khỏe.

Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, BR-VT đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách trong tình hình mới. Theo đó, Sở yêu cầu các DN du lịch phải thực hiện hai nhiệm vụ là đón khách phải an toàn và phải tuân thủ đầy đủ các quy định phòng chống dịch COVID-19. Tuyên truyền để du khách có ý thức phòng chống dịch bệnh nhưng không lo lắng thái quá.

Sở Du lịch cũng tiếp tục vận động các DN du lịch cung cấp cơ sở làm điểm cách ly tập trung của tỉnh. “Bên cạnh đó, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch đánh giá tình hình thiệt hại của các các DN, đề xuất UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cụ thể gồm: giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế, miễn giảm tiền thuê đất, đồng thời chuẩn bị chương trình thúc đẩy du lịch phát triển sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt”, ông Trịnh Hàng cho biết thêm.

Nguồn: Báo BÀ Rịa Vũng Tàu
Xem thêm: Bảo tàng Vũng Tàu đón hơn 19.000 lượt khách tham quan, Nhộn nhịp khách về biển Vũng Tàu

Đánh giá và nhận xét

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *