NHÀ TÙ VĂN NGỌC

Nhà tù Văn Ngọc đó là cái tên mà họa sĩ Văn Ngọc đặt cho ngôi nhà của mình. Ngôi nhà ấy đặc biệt ngay từ cái tên, cổng vào đến cuộc sống sinh hoạt đời thường bên cạnh những tác phẩm nghệ thuật được sắp đặt theo ý niệm riêng của tác giả.

NHÀ TÙ CỦA TỰ DO

Giữa không gian ồn ào của thành phố biển, họa sĩ Văn Ngọc tìm cho mình một góc riêng để sáng tạo. Nhà riêng và xưởng làm việc của ông nằm trong một con hẻm nhỏ đường Phạm Hồng Thái (TP. Vũng Tàu) mà ông tự gọi là Nhà tù Văn Ngọc. Không mang sắc màu tươi mới và kiểu dáng kiến trúc hiện đại, ngôi nhà của Văn Ngọc mộc mạc, đậm dấu ấn thời gian nhưng cũng rất độc đáo.

Trong khuôn viên 300m2, ngôi nhà của Văn Ngọc không chỉ là nơi để sống, sinh hoạt mà còn giống như một bảo tàng nghệ thuật sống động mà ngồi ở bất cứ góc nào người ta cũng có thể cảm nhận được. Như giải thích của ông, đời sống liên quan đến nghệ thuật, bởi vậy mà cả bộ bàn ghế tiếp khách, gian bếp, phòng làm việc hay bất cứ góc sinh hoạt nào cũng có bóng dáng của nghệ thuật. Nhà tù Văn Ngọc không quá rộng nhưng tôi như lạc giữa một không gian đầy ắp những hoài niệm với khu tưởng niệm những đồng đội đã mất trong chiến tranh; khu tưởng niệm “cha tôi”; khu sắp đặt đèn lồng… Xen lẫn giữa những hình khối đó là những câu chuyện như “Ông lão đánh cá và con cá vàng” được làm nên từ bộ máng cũ; bộ đèn lồng độc đáo lấy ý tưởng từ bộ phim “Đèn lồng đỏ treo cao cao” hay bộ tứ bình với xuân, hạ, thu, đông… Lẩn khuất đâu đó là bộ chữ cái, bộ quân cờ, một cuốn sách mở ra hay những hình khối vũ trụ. Xung quanh các khu vực trưng bày là những hành lang với lối đi chật hẹp, ánh sáng nhập nhòa; những tấm ván, khối gỗ xù xì, lồi lõm; những khối điêu khắc sừng sững… khiến người xem cảm giác như bị lạc vào một không gian bí ẩn, thực – hư lẫn lộn. Chính những điều đó đã gợi nên ý tưởng để Văn Ngọc đặt tên cho ngôi nhà của mình là “Nhà tù – Prison”. Nhưng ở trong “nhà tù” ấy, người ta lại không có cảm giác gò bó, chật hẹp mà ngược lại đó là hiện hữu của sự sống, sự tái sinh và sự xoay vần. Quan trọng hơn, ở trong “nhà tù” ấy, Văn Ngọc tự do sáng tác, tự do thể hiện những ý tưởng của mình.

Văn Ngọc cho biết, ông phải mất hơn 10 năm góp nhặt những thanh gỗ, mảnh ván cũ rồi đem chúng về xưởng tự mình cắt, gọt, vẽ, lắp ghép… và sau đó là sắp đặt trong ngôi nhà của mình để biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật. Ông bảo, họa sĩ cũng giống như bác sĩ vậy: làm lại những thứ mà người ta bỏ đi để chúng được sống một lần nữa. Và rồi công trình Nhà tù Văn Ngọc được làm nên từ những gam màu mang vết tích thời gian ấy. Nhiều đồng nghiệp của ông nhận xét rằng, “Nhà tù Văn Ngọc” là cả một công trình nghệ thuật, có sự công phu, tỉ mỉ nhưng không phải là tỉ mỉ theo “lối thợ”. Đó là công trình nghệ thuật của một họa sĩ chuyên nghiệp. Ở đó, Văn Ngọc đã đầu tư rất nhiều tình cảm và cả quá trình sống của ông nhiều năm…

VÀ CON ĐƯỜNG NGHỆ THUẬT

Sinh ra ở Vĩnh Phú – một vùng quê nghèo ở Bắc Bộ, Văn Ngọc trải qua thời niên thiếu gian nan. Năm 1992, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, với vốn liếng đào tạo mỹ thuật cơ bản, Văn Ngọc đã lao vào sáng tạo như bất cứ họa sĩ trẻ yêu nghề nào. Cũng bắt đầu từ những nét cọ, bột màu, sơn dầu… nhưng Văn Ngọc không chỉ dừng lại ở đó mà ông đã dần tìm đến với những loại hình nghệ thuật đương đại như điêu khắc, sắp đặt. “Lao động sẽ chuyển dịch dần do đòi hỏi bức xúc của bản thân. Tôi cũng chuyển dịch từ chất liệu này đến chất liệu khác, đến khi nào chất liệu đó phù hợp với ý tưởng sáng tạo. Và tôi nhận thấy nghệ thuật sắp đặt mới là bản ngã của mình” – họa sĩ Văn Ngọc chia sẻ.

Để có tác phẩm sắp đặt, Văn Ngọc phải suy nghĩ căng thẳng, mày mò gian khổ. Cách đây 8 năm, Văn Ngọc đã cho ra đời tác phẩm “Dư chấn” và đạt giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sau đó là tác phẩm “Tưởng nhớ người xưa” được ông làm nên từ những tờ in “Truyện Kiều” cũng được các đồng nghiệp trong nước và quốc tế tán thưởng. Những năm sau, Văn Ngọc tiếp tục được mời tham gia các trại sáng tác tại Pháp, Mỹ – quê hương của những sáng tạo mỹ thuật đương đại. Từ đó, ông có nhiều bài học lý thú, kết hợp với những trải nghiệm, trí thức của bản thân Văn Ngọc đã vận dụng linh hoạt những hình thức mới mẻ để làm phong phú tác phẩm của mình. Văn Ngọc cho biết, loại hình nghệ thuật sắp đặt đã có từ gần 20 năm nay trên thế giới nhưng với Đông Nam Á và Việt Nam nó vẫn còn mới mẻ. Đến với nghệ thuật sắp đặt, với ông cả là một sự “chuyển dịch” táo bạo. Nhưng cuối cùng Văn Ngọc đã ghi tên mình trong nghệ thuật đương đại với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đã từng tổ chức những cuộc triển lãm riêng về nghệ thuật sắp đặt cho Văn Ngọc.

Công trình Nhà tù Văn Ngọc chính là một minh chứng sống động cho sự hiện diện của nghệ thuật đương đại và là “tác phẩm lớn” của Văn Ngọc. Ông Nguyễn Quân, nhà phê bình lý luận mỹ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Nhà tù Văn Ngọc là sự góp nhặt hàng chục năm của ông. Công trình khá đồ sộ nhưng lại rất đơn sơ, mộc mạc. Đó không phải hội họa, điêu khắc cũng không phải là sự trộn lẫn hội họa và điêu khắc một cách cơ học mà là sự sắp đặt các tác phẩm hội họa, điêu khắc theo ý niệm của tác giả”.

Nguồn: UBND Thành phố Vũng Tàu

Đánh giá và nhận xét

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *